TIN TƯC
TRẢI NGHIỆM KHÁM PHÁ ĐỊA DANH VĂN HOÁ - GIẢI PHÁP GIÁO DỤC LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG.

GD&TĐ - Làm thế nào để triển khai hiệu quả mô hình trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử truyền thống - đây là vấn đề đang được nhiều nhà trường, đơn vị giáo dục rất quan tâm.


“Trải” để “Nghiệm”

Hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa của học sinh là một loại hình hoạt động học tập đặc biệt – học tập bằng trải nghiệm. Loại hình này sẽ bổ sung cho các loại hình hoạt động học tập truyền thống, dựa trên cơ sở khoa học của hoạt động trải nghiệm trực tiếp từ thực tế cuộc sống trong thế giới thực ngoài nhà trường.

Theo chuyên gia Đặng Ngọc Trình (Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Giáo dục Trí Việt), hoạt đọng trải nghiệm cần được xây dựng, triển khai dựa trên căn cứ khoa học lẫn điều kiện thực tiễn.


Nhà triết học thực chứng John Deway (Mỹ) là người đầu tiên nêu ra bản chất của khái niệm trải nghiệm. Theo đó, điểm nhấn quan trọng ở đây là khi sự thay đổi do hành động đem lại được phản ánh ngược trở lại để biến thành sự thay đổi bên trong chúng ta, khi ấy tình trạng liên tục thay đổi này sẽ chứa đựng ý nghĩa sâu sắc cho thấy rằng chúng ta đang học tập được một điều gì đó tích cực.

“Cảm nhận - Quan sát - Suy nghĩ - Hành động. Bốn giai đoạn cơ bản này đã trở thành những định hướng kinh điển trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong nhà trường ở các nước tiên tiến trong những thập niên qua” - chuyên gia Đặng Ngọc Trình phân tích.

Qua nghiên cứu về lý thuyết Đa trí tuệ của Gardner và đúc rút thực tiễn từ các hoạt động đào tạo của mình, các chuyên gia giáo dục Công ty cổ phần tập đoàn Giáo dục Trí Việt cũng nhấn mạnh hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa là một trong những phương thức hiệu quả nhằm kích hoạt các loại trí thông minh đa dạng của các em học sinh.

Khi học sinh được tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng, cảnh quan gây xúc động ở các địa danh văn hóa lịch sử, khi sự rung động được lan truyền từ người này đến người khác, các em sẽ có được sự rung động tự nhiên trước cái đẹp, trước những sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với từng địa danh văn hóa, từ đó hình thành nên trí thông minh cảm xúc để lưu giữ lâu bền các cảm xúc tích cực về lòng yêu nước, niềm tự hào về những con người đã đóng góp vào lịch sử, vào truyền thống cách mạng của dân tộc.

Tiếp cận theo hướng lý thuyết Trí tuệ thẩm thấu của Maria Montessori, các chuyên gia giáo dục của Trí Việt nhấn mạnh: Sự nhạy cảm tinh tế, niềm hứng thú, lòng nhiệt thành sẽ giúp trẻ tiếp nhận tất cả những ấn tượng về thế giới xung quanh không phải bằng trí óc, mà bằng chính cuộc sống của mình. Đây là một cơ sở khoa học quan trọng đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong việc khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh.


Mô hình, cách làm mới

Dưới góc độ giáo dục và quản lý giáo dục, có thể thấy, các nhà trường cũng như các đơn vị giáo dục đào tọa cần sớm triển khai những biện pháp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô giá về các địa danh văn hóa, lịch sử vào việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống cách mạng cho học sinh.

Trong vấn đề này, việc đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa cho học sinh là điều hết sức quan trọng. Nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả, cần quan tâm đến tất cả các khâu trong quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm khám phá.

Đồng thời, việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho hoạt động trải nghiệm khám phá của học sinh cũng rất cần được chú trọng, chuẩn bị. Đặc biệt, cần có các văn bản quản lý hợp tác giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với ngành Giáo dục và Đào tạo, cho phép các trường phổ thông được tổ chức định kỳ các hoạt động trải nghiệm khám phá địa danh văn hóa. Bên cạnh đó cũng rất cần sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn với các nhà trường.

Về vấn đề này, Công ty cổ phần tập đoàn Giáo dục Trí Việt là một trong những ví dụ về sự đổi mới, hiệu quả trong cách triển khai mô hình, cách làm.


Bên cạnh các mối quan hệ đã được kết nối giữa các trường học với một số cơ sở di tích văn hóa của địa phương, hiện nay Trí Việt đang đang phối hợp với Ban quản lý Khu di tích ATK triển khai Dự án Hoạt động “Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn”, theo chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Dự án gồm Khu vui chơi trẻ em, Khu xưởng sáng tạo (phương pháp STEM), Không gian văn hóa địa phương (tỉnh Thái Nguyên), Không gian văn hóa 3 miền, Khu trải nghiệm công nghệ cao (4.0), Khu mua sắm lưu niệm (dịch vụ gia tăng). Với sự đầu tư kĩ lưỡng, đây là dự án ý nghĩa, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các em học sinh.


trong News
TIN TƯC
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG TRONG TRƯỜNG HỌC.